Kỹ năng chuyên môn là một trong những nội dung được nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm khi đọc CV của ứng viên. Liệu rằng bạn đã biết cách trình bày các kỹ năng trong CV để có thể chinh phục nhà tuyển dụng một cách hiệu quả nhất?
MỤC LỤC
Sắp xếp logic
Trình bày kỹ năng theo một thứ tự logic là yếu tố quan trọng để làm nổi bật những điểm mạnh của bạn và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Cần đảm bảo rằng những kỹ năng trong CV quan trọng nhất và phù hợp nhất với vị trí bạn đang ứng tuyển được đặt ở những vị trí nổi bật nhất trong mẫu CV xin việc online để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
- Đầu tiên, kỹ năng chuyên môn: Đặt những kỹ năng chuyên môn liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang ứng tuyển ở phần đầu của CV. Ví dụ, nếu bạn là một chuyên gia phân tích dữ liệu, hãy ưu tiên các kỹ năng như phân tích dữ liệu, biểu đồ hóa, lập mô hình dự đoán ở vị trí trên cùng.
- Tiếp theo, kỹ năng tổng hợp: Đưa ra những kỹ năng mà bạn có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác nhau trong công việc như giải quyết vấn đề, quản lý dự án, nghiên cứu thị trường…
- Cuối cùng, kỹ năng mềm: Trình bày ngắn gọn về những kỹ năng mềm, những đặc tính cá nhân của bạn có thể góp phần tạo nên môi trường làm việc tích cực hoặc hỗ trợ đáng kể cho công việc. Ví dụ như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian,…
Nếu có thể, hãy tạo một phần riêng biệt cho những kỹ năng đặc biệt/kỹ năng cao cấp trong CV để thể hiện những thế mạnh nổi bật, thậm chí là khác biệt của bạn.
Chú ý đến sự tương tích với yêu cầu công việc
Các kỹ năng trong CV của bạn phải là những kỹ năng phù hợp với những yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra trong mô tả công việc. Tỷ lệ tương thích càng cao, cơ hội được mời phỏng vấn càng lớn.
Chính vì vậy, hãy chọn lọc và trình bày những kỹ năng có sự liên quan mật thiết với yêu cầu cụ thể của vị trí bạn đang ứng tuyển. Bằng cách này, bạn không chỉ bộc lộ những kỹ năng chuyên sâu của mình mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về vị trí đó cũng như sự nghiêm túc đối với cơ hội việc làm này.
Ví dụ, khi ứng tuyển vị trí Marketer, những yếu tố như hiểu biết sâu sắc về tối ưu hóa chiến lược quảng cáo trên các nền tảng số như Facebook Ads và Google Ads, xây dựng chiến lược tiếp thị, khả năng phân tích dữ liệu,… là những kỹ năng trong CV quan trọng để bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Marketer.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng những kỹ năng trong CV bạn đưa ra trùng khớp với những từ khóa được nhà tuyển dụng tìm kiếm. Điều này sẽ giúp CV của bạn vượt qua hệ thống sàng lọc CV và trở nên thu hút hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Một bật mí nhỏ đó là hãy sử dụng những từ khóa quan trọng mà nhà tuyển dụng đưa ra trong bảng mô tả công việc, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian đấy.
Mô tả chi tiết thay vì liệt kê hời hợt
Đừng chỉ liệt kê các kỹ năng trong CV mà không đi sâu vào mô tả từng kỹ năng đó. Hãy bổ sung vào mỗi kỹ năng một ví dụ thực tế về cách bạn áp dụng nó trong công việc hoặc trong các dự án cụ thể. Thay vì nói rằng “Tôi có kỹ năng lãnh đạo”, hãy mô tả chi tiết về một dự án – nơi bạn đã thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo và giúp tập thể gặt hái những thành công đáng tự hào. Điều này sẽ giúp bạn làm nổi bật các kỹ năng và chứng minh năng lực của bản thân.
Bên cạnh đó, hãy ưu tiên sử dụng các cụm từ có tính hành động thay vì dừng lại ở dự định, chẳng hạn như “Đã thực hiện”, “Đã quản lý”, “Đã phát triển” để bảng mô tả của bạn trở nên sống động hơn và thuyết phục hơn.
Thông qua những mô tả chi tiết, bạn không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ về khả năng cũng như hiệu suất làm việc của mình, giúp bạn trở nên nổi bật giữa số đông ứng viên.
Gợi ý những kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên
- Giao tiếp: Kỹ năng truyền đạt ý kiến, quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và hiệu quả, cho phép tương tác linh hoạt với đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng.
- Tin học văn phòng: Sử dụng thành thạo các công cụ văn phòng như Word, Excel, PowerPoint là yêu cầu bắt buộc với các vị trí nhân viên văn phòng.
- Tư duy phản biện: Khả năng phản ứng và phân tích vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.
- Khả năng lãnh đạo: Thúc đẩy và khuyến khích đồng đội, tạo động lực và truyền cảm hứng, ngay cả khi bạn không ứng tuyển vào vị trí quản lý.
- Khả năng thích nghi: Nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc mới, tuân thủ yêu cầu công việc và có khả năng bắt nhịp với các nhiệm vụ được giao.
Như thường lệ, hãy mô tả cách bạn áp dụng thành công những kỹ năng trong CV đối với các tình huống công việc cụ thể để làm nổi bật sự phù hợp của bạn với yêu cầu công việc cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Những gợi ý trên đây có thể giúp bạn trình bày phần kỹ năng trong CV một cách hiệu quả và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Và đừng quên, cập nhật mục kỹ năng của bạn đều đặn mỗi khi bạn có thêm kỹ năng mới hoặc tiến xa hơn ở những kỹ năng hiện tại.
Trang Đoàn