Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Liên hệ đặt quảng cáo 0981481368

HomeGiải tríDu lịchẨm thực miền Bắc, nét đặc trưng và hấp dẫn của các...

Ẩm thực miền Bắc, nét đặc trưng và hấp dẫn của các món ngon miền Bắc

5/5 - (2 bình chọn)

In đậm lên mình một nền văn hóa lâu đời, đến với vùng đất Kinh Kì, bạn sẽ có cơ hội khám phá ẩm thực Việt Nam từ cổ truyền cho đến hiện đại với các món ăn ngon, đặc trưng của đất Bắc đã lưu giữ trái tim của biết bao tín đồ yêu ẩm thực Việt Nam. Vậy cùng xem bài viết dưới đây để khám phá xem ẩm thực miền bắc có gì đặc biệt nhé!

Những nét đặc trưng của ẩm thực miền Bắc

Đặc trưng của ẩm thực miền Bắc là món ăn có vị vừa phải, thanh đạm, nhẹ nhàng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ. Nếu như ẩm thực miền Trung mang đậm nét bản sắc của một vùng đất đầy nắng gió, miền Nam là sự hòa trộn của nền ẩm thực khác nhau thì ẩm thực miền Bắc lại in đậm cốt cách của một nền văn hóa lâu đời.

Ẩm thực miền Bắc cũng chú trọng đến việc sử dụng gia vị như miền Trung và Nam bộ nhưng cách nêm nếm lại có những nét độc đáo riêng. Món ăn của người Bắc có vị thanh tao, không nồng gắt, không quá cay và thường đề cao độ tươi ngon tự nhiên của từng thực phẩm.

Cách chế biến món ăn và gia vị cũng rất tinh tế, nước dùng của phở, bún thang phải là thứ nước được hầm từ xương với lửa riu riu, luôn tay hớt bọt lúc sôi để nước được trong vắt, thoảng màu hơi vàng và ngọt lịm đầu lưỡi. Các loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn miền Bắc là chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, nước mắm pha loãng và mắm tôm.

Trong ăn uống, cách ứng xử của người miền Bắc cũng rất tinh tế và nhẹ nhàng thể hiện qua những câu tục ngữ như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”;“lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Vì vậy mà khi ăn uống bao giờ người lớn tuổi và những người được tôn trọng cũng được mời ăn trước hay khi ăn nên gắp những miếng ngon nhất trước cho người khác.

Những món ăn làm lên danh tiếng ẩm thực miền Bắc

Ẩm thực miền Bắc toát lên sự tinh tế, nhẹ nhàng thanh tao cũng giống như chính những người con của nơi đây vậy. Dân dã, dung dị nhưng vẫn đủ tinh tế để tạo ấn tượng sắc nét về một nền ẩm thực của đất Kinh Kì trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

1. Bánh cuốn Thanh Trì

Nhắc đến các món ăn làm từ lúa gạo ngon; đã tồn tại từ bao đời nay của người dân đất Hà Thành sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì. Ngôi làng ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người. Bởi khi nhắc đến món bánh hấp dẫn này; là người ta lại vô thức buột miệng nhắc tên món ăn hấp dẫn này.

bánh cuốn ẩm thực miền BắcLàm bánh cuốn cũng khá công phu; bột tráng bánh phải chọn loại gạo ngon; xay mịn như nước; từng lá bánh được tráng trên khuôn vải căng chụp trên nồi nước sôi. Mỗi lá bánh mỏng tang như tờ giấy; được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm. Khách ăn đến đâu, người bán khẽ bóc từng lá đến đấy như tách thứ lụa mỏng, mịn mỡ màng.

Bánh cuốn không chỉ ngon và trông đẹp mắt; để thưởng thức trọn vẹn vị ngon của bánh cần có nước chấm. Nước chấm khéo pha với các loại nước mắm ngon; dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, giọt cà cuống và hành phi . Bánh có thể ăn kèm với chả quế, ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước. Mỗi đĩa bánh cuốn Thanh Trì với mươi lá mỏng; là đủ một bữa điểm tâm thanh cảnh mà ngon lành.

2. Phở Hà Nội – món ăn nổi tiếng Thế giới

Phở không còn là món ăn nổi tiếng riêng của Việt Nam nữa mà hương vị của nó đã chinh phục được những người yêu ẩm thực trên toàn thế giới. Phở Hà Nội – một thương hiệu khi người ta nhắc đến miền Bắc.

Ra đời vào đầu thế kỷ 20, nơi xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội. Phở thường là phở bò hay phở gà. Nước dùng cho nồi phở được ninh từ xương bò (xương lợn), sá sùng; kèm theo nhiều loại gia vị như: quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi; hành khô nướng tạo nên hương vị đặc trưng riêng.

phở mang nét đặc trưng của ẩm thực miền Bắc

“Bánh phở” theo truyền thống được làm từ bột gạo. Tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Để thưởng thức được tô phở ngon tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của người chế biến, trong đó quan trọng đặc biệt là nồi nước dùng.

3. Bún chả

Cạnh phở thì bún chả cũng là một ẩm thực ngon trong danh sách cứ đi xa miềm Bắc là nhớ; và nếu có đặt chân tới thủ đô thì nhất định phải nếm thử.

Bún chả là món ăn với bún; chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam; là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội.Nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung; và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.

4. Bún thang

bún thang

Bún thang là món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật ẩm thực miền Bắc. Người ta nói rằng các món ăn Hà Nội rất cầu kỳ; tinh tế, điều đó cũng đúng với món bún thang. Ai đã ăn món này 1 lần, thì dù đi đâu, làm gì; cũng nhớ về một miền quê hương với món bún đậm đà dân tộc.

Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị cho đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ.

Trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xưởng. Nước dùng phải là loại nước trong, nóng chan vừa bát. Gia vị đi kèm như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm. Một dị bản của bún thang là bún thang khô: nước dùng không chan cùng bát mà chỉ tráng qua bún cho nóng. Vẫn đầy đủ các vị kể trên song không húp như khi ăn bún nước.

5. Bánh tẻ

Bánh tẻ (bánh lá, bánh răng bừa) là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh là từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc (hấp) chín. Nhân bánh gồm thịt lợn vai; mộc nhĩ (hoặc nhân đỗ cho người không ăn được bánh nhân thịt lợn).

bánh tẻ

Bánh được làm từ gạo tám thơm thì sẽ thơm, mềm, dẻo chắc bánh hơn. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng; nhưng đều mang được hương vị riêng mà chỉ có ở miền Bắc.

Một số loại bánh tẻ nổi tiếng như: Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh); Bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh,Sơn Tây, Hà Nội); bánh tẻ ở xã Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi bánh răng bừa); Bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên; ở Mỹ Đức, Hà Nội cũng có Bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng.

6. Cốm làng Vòng

Nhắc đến cốm Vòng là thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ nếp cái hoa vàng vừa qua kỳ đổ sữa. Nghề làm cốm cũng lắm công phu; lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon. Thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó; rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo.

Cốm được gói vào lá sen già ấp ủ hương sen tinh khiết. Hoặc lá khoai rát xanh non và buộc bằng những sợi rơm vàng. Ăn cốm bốc từng dúm nhỏ đựng trong lá sen, nhai cốm thật chậm rãi để cảm nhận vị ngọt thơm thoang thoảng của lúa nếp non và hương sen ngào ngạt.

7.Cá kho làng Vũ Đại Hà Nam

Chắc hẳn bạn đã nghe đến làng Vũ Đại qua truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao rồi phải không? Cá kho làng Vũ Đại có nguồn gốc từ chính làng quê Vũ Đại đó đấy. Tuy cá kho thì ở đâu cũng có; bạn cũng có thể làm cá kho ở nhà một cách đơn giản; nhưng cá kho làng Vũ Đại lại mang hương vị thơm ngon đặc biệt hoàn toàn khác.

cá kho làng vũ đại

Cá kho làng Vũ Đại được làm từ cá trắm đen, được tẩm ướp theo bí quyết cổ truyền và kho bằng nồi đất nung dưới củi khô trong khoảng 16-24 tiếng. Lúc này, thịt cá vẫn còn chắc và xương đã nhừ vừa thơm lại không bị hóc. Hãy thử một lần đến làng Vũ Đại, vùng quê Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; thưởng thức cá kho đặc sản Hà Nam này nha.

8. Bún cá cay Hải Phòng

Đến vùng đất cảng Hải Phòng thì không ai là không biết bún cá. Bún cá cay Hải Phòng là một trong những món ngon ẩm thực miền Bắc mang hương vị đồng quê. Khác với bún cá Hà Nội; Bún cá Hải Phòng có hương vị nước dùng và được ăn cùng miếng cá rô giòn rụm; chả cá thu dai dai, mềm ngọt đậm đà; vị cá và phải ăn cùng rau dọc mùng giòn giòn. Bún cá Hải Phòng được ăn cùng với nước me nên có vị nước chua chua thơm thơm.

Nếu vi vu đến vùng đất cảng Hải Phòng xinh đẹp thì đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản Hải Phòng này nha.

9. Bánh đậu xanh Hải Dương

Bánh đậu xanh là loại bánh đặc sản của Hải Dương mà rất nhiều người; kể cả người nước ngoài đã phải lòng ngay khi nếm thử. Bánh đậu xanh không quá cầu kỳ mà thật giản dị; mộc mạc nhưng lại chứa đựng hương vị nồng nàn của miền quê Bắc Bộ.

bánh đâuk xanh hải dương nét văn hóa ẩm thực miền Bắc

Để làm bánh phải dùng bột đậu xanh nguyên chất; hương thơm thuần khiết không có hương liệu công nghiệp. Bánh ngon làm bằng bột ướt, có trộn mỡ; đường vừa phải để tạo độ ngọt thanh và phải béo ngậy, thơm mùi đậu xanh. Bánh đậu xanh khi thưởng thức cùng trà sẽ tạo nên một hương vị rất Việt Nam.

10. Bánh phu thê Đình Bảng – Bắc Ninh

Bánh phu thê là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này. Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên; bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc.

Chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng. Dưới lớp bỏ bánh sắc vàng trong suốt, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi; người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị.

11. Thịt dê Ninh Bình

Ninh Bình không chỉ thu hút đông đảo du khách bởi sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà còn làm say lòng những tâm hồn yêu ẩm thực với thực đơn đa dạng các món dê núi trứ danh.

thịt dê hấp

Thịt dê là món đặc sản Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì dê ở đây nuôi trên núi đá; ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt dê săn chắc hơn so với dê thả đồi. Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn; ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung,.. vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.

12. Bánh Gio

Bánh gio (bánh tro) là món bánh truyền thống của người Việt. Bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. Bánh có vị lạt, mát dịu, thoang thoảng mùi tro vôi. Mới ăn hơi lạ miệng sẽ là món ăn chống ngấy, dễ tiêu cho ngày Tết

13. Nem nắm Giao Thủy – Nam Định

Nhắc đến nét ẩm thực miền Bắc không thể thiếu được món Nem nắm Giao Thủy – thứ nem khiến người ta mê mẩn đến “quên cả lời em dặn dò”.

Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến; được làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon, cùng mùi thơm chủ đạo của nem là thính. Thính được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu; bằng cách ngâm qua đêm, để ráo nước rồi đem rang; đến khi gạo có màu vàng ngà rồi đem giã mịn. Món nem này làm mồi rượu vừa ăn, vừa uống không thấy chán.

14. Cháo ấu tẩu Hà Giang

Đến với Hà Giang dù bất kỳ mùa nào trong năm cũng khó lòng bỏ qua một tô cháo ấu tẩu có vị đắng đặc trưng. Cháo ấu tẩu đặc sản Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn bạn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt. Nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện.

Bát cháo ấu tẩu như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc. Nếu có dịp đến Hà Giang, bên cạnh thắng cố, rượu ngô, tam giác mạch,… bạn hãy nhớ ghé chợ phiên ăn bát cháo ấu tẩu. Món cháo “đặc sản” của xứ sở mờ sương, ăn ngon đến lạ lùng.

15. Bánh cáy Làng Nguyễn – Thái Bình

bánh cáy thái bình

Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng, Thái Bình. Bánh cáy có nhiều màu sắc tự gạo nếp ngon; rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được tẩm gấc thành con cái đỏ; tẩm dành dành thành con cái vàng rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha, mứt dừa, lạc rang thơm tróc vỏ.

Nồi mạch nha được nhào trộn cho những nguyên liệu trên cùng với hạt bỏng trắng tinh đun nhỏ lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, mứt dừa. Khi bánh nguội, dóc khuôn lấy ra cắt thành những thanh nhỏ, đóng hộp.

16. Chả mực Quảng Ninh

chả mực quảng ninh mang đậm nét ẩm thực miền Bắc

Chả mực Hạ Long là đặc sản ẩm thực nổi tiếng chỉ có tại biển Hạ long – Quảng Ninh. Đây là món ăn hấp dẫn không chỉ du khách trong nước; mà còn hấp dẫn với cả du khách nước ngoài bởi vị dai, giòn và thơm của mực.

Phải nếm thử chả mực của Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này. Để có sản phẩm ngon; nguyên liệu để làm chả mực phải là mực mai, loại to, tươi sống.

Nguồn nguyên liệu này được các cơ sở làm chả mực giã tay chọn mua rất kỹ lưỡng, sau đó loại bỏ mai, râu đen, da, ruột và bầu mực… rồi rửa thật sạch và thấm khô. Mực được bỏ từng miếng một vào cối và giã bằng tay. Có miếng được giã hơi rối, vừa đủ để bắt dính. Sau khi hoàn thành khâu giã; chả mực được nặn thành từng miếng rồi rán vừa lửa và để khô.

17. Chả cá Lã Vọng – Hà Nội

chả cá lã vọng - ẩm thực miền Bắc

Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội không thể thiếu trong danh sách ẩm thực miền Bắc. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ; do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.

Chả cá Lã Vọng được làm từ cá Lăng tươi rói được chăm sóc tỉ mỉ; tẩm ướp gia vị cầu kì đậm hương vị truyền thống. Cá lăng là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm; nếu không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả. Nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng.

18. Bún đậu mắm tôm

Đặc sản miền Bắc ngon cực kỳ nếu bạn ăn được Bún đậu mắm tôm; là món ăn dân dã đặc sản của miền Bắc. Bún đậu mắm tôm rất kén người ăn.

Tuy nguyên liệu khá đơn giản, chỉ có bún tươi, đậu phụ rán, chả cốm, rau thơm; nhưng ngon nhất là ăn bún đậu mắm tôm kèm nước chấm “mắm tôm” thần thánh không phải ai cũng ngửi và ăn được. Nhưng nếu bạn ăn và ngửi được thì sẽ bị nghiện luôn đấy. Hoặc nếu bạn không ăn được mắm tôm thì có thể yêu cầu đổi thành nước mắm chấm thường nha.

19. Phở cuốn

Nếu miền Nam có đặc sản gỏi cuốn thì Phở cuốn đặc sản miền Bắc; cũng nổi tiếng như vậy. Cũng là nguyên liệu phở nhưng phở cuốn lại được tráng mỏng; theo khổ vuông và chữ nhật.

phở cuốn

Phở cuốn được ăn kèm, cuốn cùng thịt bò chín, rau thơm; trứng chấm cùng nước chấm chua ngọt. Thường Phở cuốn đúng gốc đặc sản Hà Nội thì thường được ăn kèm tương ớt Hà Nội chua cay, không có vị ngọt.

20. Nem rán

Nem rán là một trong những món ngon Việt Nam; không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết hay bữa cơm sum họp gia đình. Nem rán Hà Nội có nhân là miến, mọc nhĩ, nấm hương, thịt băm, hành, trứng, su hào, cà rốt,… được cuộn trong bánh đa nem được tráng mỏng.

Khi cắn nem rán, bạn sẽ thấy vị thơm ngọt hòa quyện các nguyên liệu cùng với vỏ ngoài giòn rụm trong miệng rất đã. Nem rán đặc sản Hà Nội được chấm cùng nước chấm chua ngọt.

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc không thể thiếu món gì?

ẩm thực miền Bắc

Mỗi vùng miền sẽ có một cách bày biện mâm cỗ ngày Tết khác nhau. Qua tìm hiểu về ẩm thực miền Bắc ở trên, vậy thì mâm cỗ Tết miền Bắc có gì đặc biệt? Ở miền Bắc, mâm cỗ thường có những món gì?

1. Giò chả

giò lụa

Giò chả hay còn gọi là giò lụa; chả lụa được làm từ thịt lợn thăn nạc giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon; sau đó gói trong lá chuối và đem đi luộc chín. Đây là món ăn quen thuộc trong mâm cỗ Tết miền Bắc với hương vị thơm mềm, thanh ngọt; giữ trọn vẹn hương vị của thịt, cùng độ giòn dai và màu sắc trắng hồng bắt mắt.

2. Thịt đông

Thịt đông là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc, chỉ có vào vụ đông xuân Bắc Bộ. Thịt đông có nguyên liệu chủ yếu từ thịt lợn. Đa phần là thịt chân giò, ngoài ra còn có bì lợn (da heo); đi kèm với gia vị gồm mộc nhĩ (nấm mèo) và hạt tiêu. Các nguyên liệu được ninh nhừ, sau đó để nguội.

Đây là món ăn nguội, thịt sẽ có màu hơi hồng với khẩu vị mềm, béo, cùng hương thơm từ hạt tiêu. Ăn kèm với chén cơm nóng và dưa muối chua thì còn gì bằng.

3. Gà luộc

gà luộc

Gà luộc là món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc nói riêng và của cả người dân Việt nói chung. Gà luộc ngày Tết thường sẽ là gà luộc nguyên con để cúng ông bà tổ tiên. Sau đó có thể xé nhuyễn hoặc chặt ra để ăn hay làm các món ăn khác.

Theo dân gian, gà luộc để cúng thường là gà trống khỏe mạnh; có mào đỏ tươi, lông mượt, móng khỏe, chân vàng. Khi luộc gà cũng phải buộc để gà có dáng đẹp và bôi nước nghệ để gà được vàng đẹp mắt.

Người ta thường sẽ ưu tiên chọn gà vườn; để mang lại hương vị thịt được thanh ngọt và có độ chắc vừa đủ. Thịt gà có thể ăn kèm với lá chanh hoặc muối ớt chanh để mang lại hương vị thơm ngon nhất.

4. Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn truyền thống vào ngày Tết của nước ta, mang trong mình quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt.

Bánh chưng có hình dạng vuông vức, màu xanh lá cây, tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời, bắt nguồn từ truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6.

bánh chưng

Món ăn thể hiện sự kết tinh của đất trời, là sự kết hợp giữa gạo nếp dẻo, đậu xanh ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy ăn kèm với dưa hành, củ kiệu đã đem đến cho ngày Tết một thứ bánh ngon tròn vị.

5. Nem rán

Nem rán hay chả giò, chả ram là món ăn truyền thống đặc trưng miền Bắc; thường được dùng trong các dịp quan trọng, đặc biệt là vào dịp Tết.

Món nem rán với lớp vỏ ngoài giòn tan kết hợp với phần nhân bên trong béo ngậy từ thịt lợn nạc, thịt cua bể hay tôm nõn, nấm hương, mộc nhĩ cùng một số nguyên liệu khác chắc chắn sẽ làm nức lòng bất kỳ ai.

Nem rán phải ăn kèm với chén nước chấm chanh tỏi cay nồng đúng cách thì mới có thể làm dậy lên tất cả hương vị mà nó mang lại.

6. Dưa hành

Dưa hành hay hành muối là món ăn kèm ngày Tết được người miền Bắc rất ưa chuộng. Dưa hành là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ; muối chua theo phương thức lên men.

Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn; nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải. Dưa hành ăn kèm với thịt mỡ, bánh chưng không chỉ kích thích vị giác; giúp món ăn tròn vị hơn mà còn tốt cho hệ tiêu hóa.

7. Canh miến nấu măng

canh miến nấu măng

Canh miến nấu măng là món canh truyền thống và rất được yêu thích trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc.

Món canh là sự kết hợp giữa sự béo bùi của thịt gà; sườn non được hầm vừa chín và hương thơm thanh mát, vị bùi ngọt; dai dai của măng sẽ đem đến cho bạn một cảm nhận vô cùng khó quên. Còn gì bằng khi được thưởng thức một chén canh nóng hổi; nước dùng ngọt béo cùng vị cay cay của ớt trong không khí se lạnh ngày Tết đúng không nào.

8. Xôi gấc

Là món xôi được sử dụng vào ngày tết ở miền Bắc. Xôi gấc có màu đỏ tươi rất đẹp. Vì vậy món ăn này mang thông điệp sẽ mang sự may mắn, vận may đầu năm cho tất cả mọi người.

Lời kết

Bài viết trên đây Web Gia Đình vừa giới thiệu sơ lược tới các bạn về ẩm thực miền Bắc và một vài món ngon đặc sản miền Bắc. Mong rằng bài viết vừa rồi sẽ giúp các bạn hiểu thêm một ít về văn hóa ẩm thực ở miền Bắc . Cũng như những món đặc sản nơi đây. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

Web Gia Đình
Web Gia Đìnhhttps://webgiadinh.vn
Webgiadinh.vn - Kho tàng kiến thức, giúp mọi người học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, gia đình. Webgiadinh.vn mang sứ mệnh nâng cao giá trị cuộc sống!

Web Gia Đình có tạo 1 group cộng đồng chia sẻ tâm sự, kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng và các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Mời bạn tham gia trao đổi kinh nghiệm, đặt câu hỏi để được mọi người cùng giải đáp tại Group:
Tâm Sự Cuộc Sống Gia Đình - Webgiadinh.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT