Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Liên hệ đặt quảng cáo 0981481368

HomeNghệ thuật sốngGiao tiếpGiao tiếp thông minh - Thu phục lòng người, chìa khóa thành...

Giao tiếp thông minh – Thu phục lòng người, chìa khóa thành công

5/5 - (4 bình chọn)

Đã bao giờ bạn lúng túng không biết nói gì với người đối diện? Bạn khó ứng xử trước những tình huống giao tiếp? Đôi khi bạn làm mất lòng người khác mà không biết mình sai ở đâu? Đó chính là những lỗ hổng trong cách giao tiếp vì cách nói chuyện kém duyên. Giao tiếp thông minh và khéo léo còn là kỹ năng quan trọng cho sự thành công của một người. Vậy thì Web Gia Đình sẽ mách bạn cách khắc phục và nghệ thuật giao tiếp thông minh để nâng cấp bản thân từng ngày!

Giao tiếp giữa hai người
Ảnh minh họa!

Thế nào là giao tiếp thông minh?

Giao tiếp thông minh là một khái niệm rộng, có vô vàn quan điểm về khái niệm này. Có người cho rằng, được lòng ai đó là giao tiếp thông minh. Có người lại nghĩ người thông minh trong giao tiếp là người thể hiện được nhiều kiến thức, hiểu biết trọng khi nói chuyện. Giao tiếp thông minh có thể là cách nói chuyện logic, có lập luận thuyết phục, nêu ra quan điểm hay. Đôi khi biết lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của người đối diện cũng là người thông minh trong giao tiếp.

Giao tiếp, không đơn giản là cuộc nói chuyện, trao đổi giữa hai hay nhiều người, mà qua đó, còn thể hiện tính cách, quan điểm sống, trình độ, khả năng, ấn tượng về con người bạn đối với người khác. Vì vậy, theo Web Gia Đình, giao tiếp thông minh là sự kết hợp nhiều yếu tố để tạo nên một buổi nói chuyện tốt đẹp, đạt mục đích của cả hai bên, tăng cường mối quan hệ.

Tại sao cần giao tiếp thông minh

Giao tiếp ứng xử là, kỹ năng quan trọng bậc nhất, có thể nói giao tiếp thông minh sẽ giúp bạn đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống một cách dễ dàng hơn.

Giao tiếp giúp bản thân tốt hơn mỗi ngày

Thông qua giao tiếp, con người sẽ lĩnh hội được nền văn hóa, đạo đức, chuẩn mực xã hội. Các tiêu chuẩn đạo đức như tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha, bao dung,… cũng được hình thành. Cũng qua giao tiếp, mỗi người sẽ tự nhận thức, đánh giá được bản thân trên cơ sở nhận thức, đánh giá người khác. Từ đó, mỗi người sẽ biết cách tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân mình.

Giao tiếp thông minh là cầu nối gắn kết và mở rộng mối quan hệ

Trong gia đình hay ra ngoài xã hội, mỗi cá nhân đều cần tự trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp. Cha mẹ cần kỹ năng giao tiếp để thấu hiểu con cái, chia sẻ, đồng cảm với thế hệ trẻ. Con cái cần kỹ năng giao tiếp để truyền đạt mong muốn của mình với cha mẹ. Bạn bè, đồng nghiệp cần giao tiếp tốt để hiểu nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn,…Kỹ năng giao tiếp tốt là chìa khóa giúp bạn gắn kết các mối quan hệ.

Giao tiếp tốt mở rộng mối quan hệ
Giao tiếp tốt giúp mở rộng mối quan hệ!

Khi biết cách giao tiếp, giao lưu học hỏi, mỗi người sẽ tự mở rộng mối quan hệ cho mình. Điều này tạo cơ sở để phát triển sự nghiệp, duy trì cuộc sống. Không giao tiếp, bị cô lập là một trong những điều đáng sợ nhất.

Giao tiếp thông minh để làm việc hiệu quả hơn

Một tổ chức, tập thể muốn tồn tại, hoạt động thống nhất rất cần giao tiếp. Nhờ giao tiếp, mỗi người hiểu được yêu cầu, mong muốn của người khác, mục đích chung của nhóm. Trên cơ sở đó, mọi người sẽ cùng phối hợp với nhau để hoạt động nhằm đạt mục đích chung.

Kỹ năng giao tiếp thông minh là chìa khóa của thành công

Xã hội ngày càng tiên tiến, phát triển, sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt. Chỉ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết mới chỉ là điều kiện cần. Để có thể thăng tiến dễ dàng, gặt hái nhiều thành công, bạn cần nhiều thứ khác nữa. Và kỹ năng giao tiếp thật thông minh, khéo léo là một trong những điều kiện đủ. Không phải tự nhiên mà người ta nâng tầm giao tiếp lên thành nghệ thuật.

Ví dụ về tầm quan trọng của giao tiếp với nhân viên văn phòng: Hai người nhân viên có thể cùng kỹ năng chuyên môn tốt như nhau. Tuy nhiên, người nhân viên có kỹ năng giao tiếp tốt, được sếp trọng dụng, được mọi người yêu quý sẽ có cơ hội thăng tiến nhanh hơn.Nếu giao tiếp tốt, bạn sẽ dễ dàng tương tác với mọi người và có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức hữu dụng cho chính bản thân cũng như hòa nhập vào môi trường mới dễ dàng.

Những yếu tố tạo nên một cuộc giao tiếp thông minh

Có 5 câu hỏi cho giao tiếp thông minh: Ai? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Thế nào? – Đó chính là những câu hỏi bạn cần trả lời trước khi trò chuyện với ai đó, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ví dụ minh họa sau sẽ làm nổi bật vấn đề này:

Bạn chuẩn bị đi gặp gặp một vị tiền bối trong ngành của mình. Đây là cơ hội tốt để bạn tạo mối quan hệ cũng như giúp ích, ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp của bạn nếu biết cách giao tiếp, ứng xử khôn khéo. Vậy thì bạn cần chuẩn bị để cuộc trò chuyện để lại ấn tượng tốt trong lòng họ. Vậy bạn sẽ chuẩn bị như thế nào?

1. Bạn sẽ gặp ai?

Tôi sẽ gặp một người anh đi trước đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực mình đang theo đuôi. Anh ấy là người như thế nào? (tính cách, nghề nghiệp, quê quán,…)

Trả lời câu hỏi này để chuẩn bị phong cách nói chuyện phù hợp. Với người vui tính, dễ dãi, bạn nên có phong cách trò chuyện cởi mở, dễ gần, pha chút hài hước. Trái lại người nghiêm khắc, hơi cổ hủ, bạn cần nói chuyện đứng đắn hơn, thể hiện sự hiểu biết và những điều thắc mắc trong lĩnh vực nghề nghiệp đó chẳng hạn.

2. Bạn sẽ gặp họ ở đâu?

Nếu gặp ở nhà hàng, hãy ăn mặc trang trọng. Nếu gặp ở nhà, chuẩn bị ít bánh trái, hoa và ăn mặc lịch sự một chút.

3. Khi nào bạn sẽ gặp họ?

Buổi chiều hay buổi tối? Đây có phải lần đầu tiên bạn gặp họ không? Dĩ nhiên, sự thân thuộc sẽ quyết định bạn sẽ trò chuyện theo phong cách nào là hợp lý, với chủ đề nào được họ ưa thích.

4. Tại sao?

Tại sao bạn lại đi gặp gỡ bố mẹ người yêu? Ra mắt hay đến để đề cập chuyện cưới xin, hay đơn giản tới chơi với tư cách như một người bạn? Điều này sẽ quyết định bạn sẽ nói chuyện với họ dưới tư cách là bạn trai/bạn học/người yêu/chồng chưa cưới của con gái họ.

5. Thế nào?

Bạn sẽ nói chuyện gì? Chào hỏi như thế nào? Bạn có đi cùng với ai không? Có nên gọi điện trước không?…Chúng đều trả lời cho câu hỏi “Bạn sẽ tiến hành cuộc trò chuyện đó như thế nào và sao cho hợp lý nhất”.

Nói chuyện về chủ đề hai người quan tâm nhất
Nói chuyện về chủ đề hai người quan tâm nhất!

Trả lời cho câu hỏi thế nào, bạn còn xác định được chủ đề của buổi nói chuyện là gì, điều gì khiến cả hai quan tâm nhất, bạn nên giữ thái độ như thế nào khi nói chuyện…

Cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông minh

Giao tiếp thông minh chính là chiến lược giao tiếp để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất. Không một ai sinh ra mà đã nói chuyện khôn khéo, vậy nên cần có sự luyện tập, trau dồi bản thân hàng ngày và có sự chuẩn bị chu đáo.

1. Thành thật là yếu tố quan trọng để giao tiếp thông minh

Việc tỏ ra khó chịu, gượng ép sẽ khiến mọi người cảm thấy bạn khó gần. Hoặc quá “thảo mai” khi giao tiếp có thể lấy lòng được mọi người lúc đầu nhưng khi nhận ra, họ sẽ dần tránh xa bạn. Do đó, bạn nên giữ thái độ chân thành, tự nhiên nhất khi nói chuyện. Lúc đô bạn cũng cảm thấy thoải mái nhất và cũng nhận lại sự yêu thương của mọi người.

2. Giao tiếp thông minh là nói chuyện có văn hóa

Khi giao tiếp, tránh văng tục chửi bậy hoặc có những hành vi, hành động thô lỗ, mất lịch sự. Điều này còn giúp duy trì những mối quan hệ thân thiết. Người giao tiếp ứng xử có văn hóa, đạo đức bao giờ cũng sẽ được nể trọng hơn. Khi giao tiếp với mọi người, bạn nên biết cách xưng hô, hành xử sao cho phải lẽ. Đây là điều căn bản trong giao tiếp.

Nói chuyện có văn hóa
Một yếu tố trong giao tiếp thông minh là nói chuyện có văn hóa!

Nếu trò chuyện với người lớn tuổi hơn, bạn nên sử dụng kính ngữ, gọi bằng ông, bà, cô, dì, chú, bác,… Còn nếu bằng tuổi, bạn nên gọi bằng cậu,tớ/bạn,mình,… hoặc xưng tên. Khi gặp người lớn, bạn cần lễ phép chào hỏi. Khi đi xe buýt, gặp phụ nữ mang thai, bạn nên biết nhường ghế,…

Một điều quan trọng trong nữa là bạn cũng cần cần tuyệt đối tránh cách nói chuyện trống không vì sẽ đánh giá không tốt về con người bạn. Bạn sẽ trở nên thiếu lịch sự, thô lỗ trong mắt người khác.

3. Giao tiếp thông minh là biết tìm điểm chung của nhau

Mục đích của mỗi cuộc trò chuyện, giao tiếp là để mọi người cùng thấu hiểu nhau, chia sẻ với nhau những suy nghĩ chung. Sẽ là một điều tuyệt vời nếu như có thể tìm thấy một người bạn đồng hành thực sự hiểu mình và có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe không chỉ để hiểu và để đưa ra lời khuyên mà còn là để thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.

Không phải tất cả mọi người đều giống nhau. Vậy nên, trong giao tiếp – ứng xử, điều quan trọng là cần biết tôn trọng nhau. Người ta thường ví: “Tôn trọng nhân viên là mỹ đức – Tôn trọng khách hàng là ý thức – Tôn trọng đối thủ là độ lượng. Tôn trọng tất cả mọi người chính là giáo dưỡng”.

Đừng nên áp đặt suy nghĩ, hành động của mình lên người khác. Cũng đừng vì thỏa mãn cảm xúc của bản thân mà dễ dàng xúc phạm, làm tổn thương người khác. Hãy luôn nhớ nguyên tắc này để trở thành người có kỹ năng giao tiếp ứng xử thông minh.

4. Biết bắt đầu và dừng lại đúng lúc

Nhiều người có lối kể chuyện rất khéo léo, tuy nhiên lại quá dài dòng và cứ kể từ chuyện nọ sang chuyện kia mỗi khi gặp gỡ ai đó. Những mẫu người này nhận thấy sự tán thưởng từ phía người nghe cho câu chuyện của mình, và đáng lẽ nên dừng lại để câu chuyện ở mức “vừa đủ”, họ lại cố kéo dài thêm ra, phân tích, diễn giải rồi liệt kê những chuyện liên quan cho thêm phần hấp dẫn…

Hãy cẩn thận, vì dù câu chuyện của bạn duyên dáng đến đâu, nên nhớ rằng bản chất con người ai cũng muốn thể hiện mình với người khác. Giao tiếp chính là một cách họ thể hiện mình, vì vậy trong buổi trò chuyện hãy để cho tất cả mọi người được thể hiện, sẻ chia, chứ đừng “độc chiếm” như thể sân khấu là của riêng bạn.

Trừ khi bạn lớn tuổi hay có trình độ, học vấn…cao hơn những người còn lại và tất cả đều muốn nghe ý kiến của bạn, còn lại hãy chia sẻ quyền được nói cho tất cả, và lắng nghe hết mình, dù là câu chuyện dở nhất. Đó là cách giao tiếp lịch sự, tế nhị rất được đề cao, coi trọng.

Khi ai đó hỏi bạn vấn đề gì, hãy chỉ trả lời đủ ý. Hầu hết chúng ta đều muốn nghe lời khuyên của người khác, nhưng chỉ là lời khuyên ở mức vừa đủ: đừng nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu người nghe, bạn sẽ gây ra tác dụng ngược.

5. Học cách giao tiếp bằng ánh mắt kết hợp ngôn ngữ cơ thể

Ngoài lời nói, ánh mắt cũng có “trọng lượng” đáng chú ý. Khi nói chuyện, bạn nên nhìn thẳng vào người đối diện. Tuy nhiên, bạn không nên nhìn chằm chằm khiến họ bối rối. Thi thoảng, bạn nên đưa mắt nhìn xung quanh. Điều này giúp cả hai giảm tải căng thẳng. Thêm nữa, bạn cũng chú ý không nên đảo mắt liên hồi. Hành động như vậy sẽ thể hiện bạn không tự tin và khiến người khác khó tin tưởng.

Dùng ánh mắt trong giao tiếp
Dùng ánh mắt trong giao tiếp!

Bạn cũng không được quên ngôn ngữ cơ thể. Đôi khi, nó còn có ý nghĩa hơn cả trăm ngàn lời bạn nói. Giọng của bạn có cay nghiệt quá hay không? Khuôn mặt bạn có đang thể hiện sự khinh thường với những gì người khác nói? Hay là ánh mắt bạn đang thể hiện sự thích thú với câu chuyện của họ. Ngôn ngữ cơ thể sẽ cho thấy mọi cảm xúc và suy nghĩ của bạn, thậm chí là cả thái độ của bạn đối với người đối diện.

Ứng xử thông minh trong từng hoàn cảnh giao tiếp

Từng tình huống, hoàn cảnh giao tiếp không phải lúc nào cũng giống nhau. Cho nên không thể áp đặt một tiêu chuẩn cứng nhắc khi nói chuyện vì không có giới hạn trong giao tiếp. Vậy nên chúng ta cần ý thức được từng hoàn cảnh để có cách ứng xử cho phù hợp.

1. Giao tiếp ở trường học

Đối với giáo viên: Giáo viên cần ăn nói đúng mực, nhẹ nhàng, thương yêu học sinh. Và đặc biệt đạo đức phải là tiêu chí hàng đầu, tánh tình trạng chửi bới, mắng mỏ, đánh phạt hoặc xúc phạm nhân phẩm học sinh. Đối với phụ huynh, cần lắng nghe và tôn trọng khi tiếp xúc với phụ huynh.

Đối với học sinh: Học sinh cần lễ phép, tôn trọng thầy cô giáo. Tôn trọng, hòa nhã với bạn bè. Biết giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp bạn tiến bộ,…

2. Cách giao tiếp khi phỏng vấn

Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần đến sớm trước 10 – 15 phút và ăn mặc lịch sự, phù hợp. Cùng với đó là đơn xin việc được tạo với những kỹ năng mềm, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn được liệt kê rõ ràng, ấn tượng.

Nhớ để điện thoại ở chế độ rung và tắt chế độ thông báo và đừng chú ý vào đồng hồ hay liếc ngang liếc dọc trong suốt cuộc phỏng vấn vì điều đó được cho là cử chỉ thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng. Thay vào đó bạn hãy tương tác với nhà tuyển dụng, phát huy điểm mạnh của mình và thành thật với những điểm yếu để dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ những câu trả lời đầu tiên nhé.

Giao tiếp khi phỏng vấn
Giao tiếp thông minh gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng!

3. Kỹ năng giao tiếp thông minh nơi công sở

  • Khi làm việc, không nên dùng cách xưng hô kiểu “chú – cháu, bố – con”.
    Với nhân viên mới, không nên xò xét, hỏi han quá khiến họ khó xử, bị động
  • Không “ngồi lê đôi mách”, hoặc “đâm bị thóc, chọc bị gạo”
  • Vui vẻ, cởi mở, hòa đồng với mọi người. Không chê bai, chỉ trích đồng nghiệp
  • Làm việc tuân theo trật tự, tôn trọng cấp trên, làm việc nghiêm túc, không ứng xử tùy tiện
  • Trong giờ làm việc nên tập trung cao độ cho công việc, không buôn chuyện, làm việc riêng
  • Khi giao tiếp với cấp dưới, người lãnh đạo cần có sự kiên nhẫn, lắng nghe, tránh căng thẳng,…

4. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách hàng, đối tác

Bạn nên là người chủ động xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng: Gọi điện hỏi thăm khách hàng cũ, tìm kiếm, chia sẻ với khách hàng mới,… Chào hỏi thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ là cách ứng xử thông minh. Có thể hôm nay khách hàng không mua sản phẩm của bạn nhưng nhờ giao tiếp tốt, họ sẽ chọn quay lại.

Trong kinh doanh, kỹ năng giao tiếp thông minh cần được phát huy tối đa. Khi gặp khách hàng thì luôn tươi cười và tạo sự gần gũi, chân thành để khách hàng có sự tin tưởng bạn. Với những khách hàng khó tính hoặc yêu cầu cao, bạn nên giữ thái độ vui vẻ, tránh xung đột.

Mặt khác, bạn cũng đừng chỉ chăm chăm giới thiệu về doanh nghiệp hay sản phẩm của mình mà cần biết kiên nhẫn lắng nghe khách hàng. Khi đó mới thấu hiểu họ và đáp ứng được nhu cầu của họ. Lúc này, bạn sẽ hiểu khách hàng cần gì, vấn đề ở đâu để biết cách khắc phục tốt nhất

Lời kết

Kỹ năng giao tiếp thông minh không phải ngày một ngày hai là có thể có được. Chúng ta cần hiểu được bản thân và luyện tập, thực hành thường xuyên để rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngày một tốt lên. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có được phương pháp giao tiếp tốt, cách ứng xử thông minh trong trong công việc cũng như cuộc sống. Hãy theo dõi Web Gia Đình để học hỏi và cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!

Nghệ thuật sống
Nghệ thuật sốnghttps://webgiadinh.vn/nghe-thuat-song/
Webgiadinh.vn - Kho tàng kiến thức, giúp mọi người học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, gia đình. Webgiadinh.vn mang sứ mệnh nâng cao giá trị cuộc sống!

Web Gia Đình có tạo 1 group cộng đồng chia sẻ tâm sự, kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng và các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Mời bạn tham gia trao đổi kinh nghiệm, đặt câu hỏi để được mọi người cùng giải đáp tại Group:
Tâm Sự Cuộc Sống Gia Đình - Webgiadinh.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT