Bên cạnh khả năng làm việc về mặt chuyên môn cũng như kinh nghiệm xử lý công việc thì tính cách cũng là một trong những yếu tố được nhà tuyển dụng quan tâm. Bởi vậy, trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng, bạn sẽ thường được nhận những câu hỏi phỏng vấn tính cách.
Vậy đó thường là những câu hỏi nào? Hãy cùng tìm hiểu và gợi ý cách trả lời để có sự tự tin khi tìm việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay bất cứ đâu.
MỤC LỤC
Hãy đưa ra 3 tính từ để mô tả bản thân bạn
Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn thường thấy bởi nhà tuyển dụng muốn thấy được bạn sẽ tự nhận xét tính cách bản thân như thế nào. Thông qua đó, họ sẽ đánh giá tổng thể về khả năng phù hợp của bạn với vị trí tuyển dụng. Bạn có thể sử dụng những tính từ mang thiên hướng tích cực nhưng đừng quá mỹ miều vì sẽ dễ khiến người nghe cảm thấy bạn quá tự cao hoặc không thực tế.
Gợi ý cho câu trả lời là nên trung thực, bình tĩnh, trách nhiệm, siêng năng, ham học hỏi, dễ thích nghi với môi trường… Đây đều là những cụm từ có khả năng tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bởi “thái độ quan trọng hơn trình độ”.
Làm việc cá nhân hay làm việc nhóm? Tại sao?
Câu hỏi phỏng vấn tính cách này cũng là vấn đề thường xuyên được đặt ra trong buổi phỏng vấn bởi ở một số vị trí ứng tuyển, bạn cần phải có cả kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm để hoàn thành công việc. Do đó, bạn nên đưa ra những thông tin về tính cách phù hợp với cả 2 kiểu làm việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn như bạn có thể trả lời rằng bạn có khả năng lắng nghe tốt, luôn sẵn lòng giúp đỡ và cảm thông khi làm việc với đồng nghiệp trong đội nhóm. Ngoài ra, làm việc nhóm sẽ nâng cao tinh thần đồng đội, giúp mọi người gắn kết cũng như hiểu nhau hơn. Hoặc bạn sở hữu tính kỷ luật cao, tự giác, khả năng sắp xếp thời gian tốt nên hoàn toàn đủ sức để hoàn thành công việc cá nhân dễ dàng, nhanh chóng, đúng hạn. Và bạn cũng có thể tự nỗ lực để cải thiện thành tích cá nhân, từ đó phát triển hơn trên con đường sự nghiệp.
Kể về một trải nghiệm thử thách của bạn ở công việc trước đây
Khi được hỏi về một trải nghiệm khiến bạn căng thẳng trong quá khứ và cách giải quyết thì bạn có thể trình bày một hoặc hai vấn đề bạn từng trải qua. Nhà tuyển dụng khi nghe câu trả lời thì họ sẽ biết được khả năng chịu áp lực cũng như và khả năng giải quyết tình huống của bạn. Bạn nên nói một cách tự tin và mạch lạc, không nhất thiết phải cường điệu hóa những khó khăn ấy vì sẽ dễ khiến bạn bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Bạn có thể tham khảo câu trả lời gợi ý sau “Khi làm việc cho doanh nghiệp A ở vị trí nhân viên xuất nhập khẩu, tôi phải đảm nhận lượng công việc gấp đôi bình thường vào các dịp cận Lễ, Tết vì nhu cầu hàng hóa tăng cao. Ban đầu thì tôi cũng khá căng thẳng do chưa thể làm quen ngay với nhịp độ công việc nhiều như thế nhưng sau đó, tôi đã tự mình tìm ra cách thích nghi với nó.
Ví dụ, tôi chủ động lập kế hoạch trong công việc, đánh dấu những hạng mục quan trọng và thực hiện theo từng bước. Cùng với đó, tôi hỏi thêm ý kiến của đồng nghiệp và cấp trên để tránh sai sót. Sau một thời gian kiên nhẫn, tôi đã xử lý lần lượt khối lượng hàng hóa lớn”.
Nếu như gặp một vấn đề khó khăn chưa từng gặp trước giờ, bạn sẽ giải quyết chúng như thế nào?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết được sự nhạy bén và khả năng linh hoạt của ứng viên. Câu trả lời ví dụ như sau: “Vì đây là một nhiệm vụ là trước giờ tôi chưa từng có kinh nghiệm nên cá nhân tôi sẽ lập kế hoạch những việc cần làm để hoàn thành công việc cấp trên đưa ra. Tiếp theo, tôi sẽ chủ động kiểm tra các dữ liệu, tài liệu liên quan trong bảng kế hoạch, lập báo cáo và tìm cách giải quyết cho từng vấn đề.
Cuối cùng, tôi sẽ cố gắng đưa ra phương hướng tối ưu nhất cộng thêm những kế hoạch back-up. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là khả năng ứng biến linh hoạt hoặc cũng như dự trù rủi ro để hạn chế tỷ lệ thất bại xuống mức thấp nhất. Trong trường hợp không thể thực hiện kế hoạch A, tôi lập tức có những phương án B-C-D để bản thân không rơi vào tình huống khó giải quyết”.
Bạn sẽ thay đổi điều gì nếu có thể thay đổi một điểm trong tính cách?
Không ít nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này để thử thách ứng viên xem họ đang có mong muốn cải thiện bản thân về mặt tính cách như thế nào. Bởi chỉ khi bạn nhìn nhận được mình còn thiếu sót và mong muốn thay đổi, bạn mới có thể thích ứng được và phát triển trong công việc. Điều này sẽ có lợi cho bạn trong quá trình nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng và đồng thời mang lại những đóng góp giá trị cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn bạn tự nhận thấy mình là người ít nói, gương mặt lạnh lùng ít thể hiện cảm xúc nên bạn được đánh giá là người điềm tĩnh, trưởng thành. Tuy nhiên, đôi khi nó sẽ dễ gây hiểu lầm rằng bạn không thân thiện, không muốn hòa nhập với đồng nghiệp. Do đó, bạn vẫn luôn đang cố gắng thay đổi để ứng xử phù hợp trong từng trường hợp nhằm tránh hiểu lầm.
Hy vọng rằng thông qua chủ đề về các câu hỏi phỏng vấn tính cách và cách trả lời trong bài viết trên đây đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn. Đừng quên truy cập vào trang web CareerLink thường xuyên để cập nhật các bí quyết phỏng vấn tìm việc cùng những những xu hướng tuyển dụng và cơ hội việc làm mới nhé!
Pha Lê