Phỏng vấn qua điện thoại mang lại khá nhiều lợi ích cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng, ví dụ như tiết kiệm thời gian, chi phí… Tuy nhiên, giao tiếp không trực tiếp sẽ hạn chế trong việc kết nối khiến bạn không nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể, thái độ của nhà tuyển dụng. Đặc biệt áp lực về thời gian khi trả lời câu hỏi sẽ là thách thức không nhỏ với bạn. Cách tốt nhất để vượt qua khó khăn trên là bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hành trả lời liên tục với các câu hỏi thường gặp qua điện thoại.
Vậy nên, bạn hãy tham khảo ngay 5 câu hỏi nhà tuyển dụng thường hỏi trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại khi ứng tuyển các việc làm ở Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… và cách trả lời giúp bạn ghi điểm dưới đây nhé.
Câu hỏi về sự hiểu biết công ty và vị trí ứng tuyển
Khi phỏng vấn qua điện thoại, nhà tuyển dụng sẽ gặp khó khăn trong việc quan sát ứng viên so với phỏng vấn trực tiếp. Để đánh giá mức độ quan tâm của bạn tới công việc, họ thường ưu tiên đặt câu hỏi: “Bạn đã tìm hiểu về công ty chúng tôi chưa?” hay “Vì sao bạn ứng tuyển vào công ty này?”.
Với câu hỏi dạng này, bạn cần thể hiện bản thân đã tìm hiểu về công ty, về vị trí ứng tuyển đồng thời cho thấy bạn phù hợp với văn hóa, môi trường làm việc. Khi trả lời, bạn nên truyền đạt niềm vui, sự háo hứng khi được mời tham gia buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.
Câu hỏi về mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp
Một trong những điểm quan trọng của phỏng vấn qua điện thoại là nhà tuyển dụng phải “vẽ” được chân dung ứng viên để từ đó đánh giá giá trị và mức độ phù hợp với doanh nghiệp. Điều này thường được xác định từ mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp của ứng viên. Do đó, bạn sẽ gặp câu hỏi như: “Mục tiêu 5 năm tới của bạn là gì?”, hoặc “Bạn có kế hoạch như thế nào để đạt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn?”.
Về câu trả lời, bạn cần lựa chọn mục tiêu trọng tâm, liên quan đến công việc ứng tuyển đồng thời cho thấy giá trị và sự phát triển của bản thân qua thời gian. Đặc biệt, mục tiêu nên phù hợp hoặc liên quan tới định hướng kinh doanh của công ty. Qua đó giúp nhà tuyển dụng có niềm tin về sự gắn bó lâu dài và phù hợp của bạn với doanh nghiệp.
Câu hỏi về kinh nghiệm và kỹ năng
Đây là nhóm câu hỏi không thể thiếu dù buổi phỏng vấn được thực hiện ở hình thức nào. Câu hỏi thường gặp là: “Hãy kể về kinh nghiệm làm việc của bạn trong lĩnh vực này” hoặc “Theo bạn cần kỹ năng gì để thể hiện xuất sắc ở vị trí này?”.
Tuy không quá khó nhưng bạn sẽ gặp áp lực thời gian cũng như cách thuyết phục nhà tuyển dụng với câu hỏi này. Họ thường không đủ kiên nhẫn nếu bạn trả lời theo kiểu liệt kê dàn trải, không có chứng minh cụ thể.
Bạn cần chọn 2-3 kinh nghiệm, kỹ năng quan trọng nhất, sau đó nêu rõ ràng vị trí công việc cũng như kết quả đã đạt được. Để thuyết phục hơn, bạn nên đưa ra ví dụ cụ thể để giải thích nhờ có kinh nghiệm, kỹ năng đó bạn đã giải quyết được việc gì và mang lại giá trị gì cho công ty.
Ngoài ra, bạn có thể sẽ gửi thêm một số bằng cấp, thành tích đã đạt được liên quan đến vị trí ứng tuyển qua email ngay sau khi kết thúc buổi phỏng vấn.
Câu hỏi về sự sẵn sàng và cam kết
Khi phỏng vấn qua điện thoại, bạn rất dễ bị mất kết nối, gặp khó khăn trong việc thể hiện năng lượng tích cực, sự tự tin. Do đó, khi được hỏi “Bạn có sẵn lòng bắt đầu làm việc ngay không?” hoặc “Bạn có sẵn sàng tham gia khóa đào tạo không?”, bạn cần thể hiện cam kết mạnh mẽ.
Hãy cho họ thấy, bạn đã chuẩn bị tốt từ sức khỏe tới tinh thần và năng lực để bắt đầu công việc. Ngay cả khi bạn không thể tiếp nhận công việc ngay lập tức thì cũng không nên quá lo lắng. Nhà tuyển dụng đã “chọn” bạn thì họ biết cách sắp xếp và sẵn sàng “chờ” trong một khoảng thời gian. Chỉ cần bạn khẳng định nếu có bất kỳ sự chậm trễ nào sẽ thông báo sớm nhất cho họ và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào cho doanh nghiệp.
Câu hỏi về sự linh hoạt và thích nghi
Xu thế thị trường, ngành nghề liên tục thay đổi nên nhà tuyển dụng luôn mong tìm nhân sự thích nghi và có sự linh hoạt cao trong công việc. Bởi thế họ sẽ ưu tiên đặt câu hỏi: “Bạn có sẵn lòng đi công tác, làm thêm giờ không?” hoặc “Bạn cần bao lâu để thích nghi với một thay đổi?”.
Khi trả lời, bạn không nên chỉ trả lời “Có” hoặc “Không”; cũng không nên đưa đáp án cụ thể. Thay vào đó, hãy đưa ra một số đặc điểm cụ thể để họ hình dung rõ nhất về một ứng viên linh hoạt và thích ứng nhanh. Đặc biệt bạn nên truyền tải hình ảnh một ứng viên tích cực trong kết nối, xây dựng mối quan hệ, chủ động trong học tập, tiếp nhận xu hướng mới.
Trên đây là một số câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn qua điện thoại. Dù không quá khác biệt so với buổi phỏng vấn trực tiếp nhưng đòi hỏi ứng viên cần phản ứng nhanh, linh hoạt, trả lời ngắn gọn, có điểm nhấn. Hy vọng qua gợi ý trên giúp bạn có thêm tips nhỏ và đạt được kết quả tốt khi tham gia buổi phỏng vấn sắp tới.
Nguyễn Lý